Đóng

Hoạt động

Càng ngày càng nhiều người trẻ nói: “Tôi không cần bạn bè” – liệu chúng ta có phải là thế hệ cô đơn nhất?

Cô đơn, là một phần của cuộc sống đôi lúc, nhưng khi nó thành một thứ diễn ra liên tục và thường xuyên, không ai có thể vẽ lên những điều hoa mỹ quanh nó: “Rằng cuộc sống này cũng cần có sự cô đơn”.

Thời đại chúng ta đang sống đầy ắp những thứ công nghệ để kết nối con người. Suốt hàng chục năm qua, con người đã tìm nhiều cách để gần nhau hơn trên mặt trận công nghệ nhưng khoảng cách thực tế lại trở nên xa nhau hơn. Phải chăng, sự kết nối trên Internet như để lấp đầy cho sự thiếu hụt về những tương tác ngoài đời thực? Điện thoại bàn xuất hiện, rồi máy fax, điện thoại di động trước khi Internet phổ cập trên toàn thế giới, đẩy người trẻ vào thế giới của vô số mạng xã hội: Facebook, Twitter, Instagram…

Có vô vàn cách thức để kết nối con người, có lẽ là nhiều hơn cả những điều chúng ta cần, nhưng mỗi tối, trên Facebook ai đó vẫn có dòng status: “Lonely sadness”, “rốt cuộc, đêm về vẫn chỉ có mình tôi gặm nhấm nỗi buồn này”. Giữa cơ man những giao thiệp 4.0, người ta đã bỏ rơi những tương tác con người trực tiếp – điều họ cần nhất trong xã hội ai cũng chọn vẻ ngoài lặng yên, nhưng xô bồ, liến thoắng trên mạng.

Theo một nghiên cứu mới đây nhất từ YouGov, thế hệ Millennials, những người trẻ sinh từ đầu những năm 1980s cho tới cuối những năm 1990s, là thế hệ cô đơn nhất. Nhóm tiến hành nghiên cứu đã nói chuyện với 1,200 người trưởng thành trên độ tuổi 18 tại nước Mỹ. Xoay quanh những câu trả lời là sự tù túng, chật chội của những mối quan tâm cá nhân. 30% người trẻ gen Y tham gia khảo sát cho biết họ luôn cảm thấy cô đơn, so với con số 15% của thế hệ Baby Boomers và 20% của gen X. Nhìn nhận từ kết quả khảo sát cũng như thực tế, thế hệ của bố mẹ chúng ta là những người có đời sống xã hội tích cực hơn cả.

ds-quote1-1566491988687121529904

Điều đáng lo lắng hơn, 1/4 những người trẻ gen Y nói rằng họ không có nhiều mối quan hệ, 22% cho biết họ không có bạn bè thân thiết và tới 30% nói rằng, bạn thân nhất – BFF là điều họ không hề biết tới. Về lý do đằng sau vấn đề này, những người tham gia trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong vấn đề kết bạn, chủ yếu vì sự ngại ngùng, thiếu sở thích hay quan tâm chung. Tuy nhiên, có tới hơn ¼ người trẻ trong cuộc khảo sát (27%) nói rằng họ “không cần bạn bè”.

Giáo sư Christina Victor từ Đại học Brunel, London cho biết đại dịch cô đơn không phải hiện tượng mới mẻ mà đã tồn tại rất nhiều năm. Tuy nhiên sự xuất hiện của mạng xã hội đã thực sự thổi bùng lên đại dịch này. Với gần 4 tiếng mỗi ngày “dính” lấy điện thoại di động, người trẻ ngày nay kết nối với nhau nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những người có nhiều bạn trên Facebook nhất thường lại cô đơn hơn hẳn so với người có ít bạn bè trên mạng xã hội.

Trong khi mạng xã hội đã tạo nên một liên kết con người cực kỳ lớn trên mạng xã hội – người ta còn có nghiên cứu về quy tắc “6 điểm chạm” khi chỉ cần thông qua 6 người trên mạng xã hội chúng ta có thể kết nối với bất cứ ai trên thế giới, những tính cách mỗi người tạo dựng cho mình trên Instagram hay Facebook đang che giấu đi sự thật rằng chúng ta cô đơn hơn những bức ảnh selfie vui vẻ đăng tải đầy trên Facebook. Nghiên cứu của YouGov không chỉ ra một nguyên tố đơn lẻ trọng tâm cho “đại dịch” cô đơn của thế hệ trẻ nhưng phát hiện ra mối liên kết giữa sự cô đơn của người trẻ với mạng xã hội. Cũng theo một báo cáo từ Đại học Pennsylvania, mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực tới hạnh phúc tổng thể của mỗi người, khiến nhiều người trẻ rơi vào tình trạng cô đơn hay trầm cảm. Instagram cũng có tác động đến sức khỏe tinh thần của người dùng và hiện tại, ứng dụng này đang thử nghiệm tính năng không nhìn thấy số lượng “thích” trên mỗi post nhằm giúp mọi người không còn bị áp lực bởi việc chia sẻ những bức hình trên mạng xã hội.

Có thể nói, mạng xã hội hay Internet không phải nguyên nhân duy nhất nhưng nó có tác động “phóng đại” nỗi cô đơn của người trẻ. Chúng ta sống trong một thời kỳ mà người ta sẽ làm mọi việc để có thể thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, kể cả việc tỏ ra buồn rầu, trầm cảm, cô đơn – những điều đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người, rằng “chắc họ phải tuyệt vọng lắm” mới thể hiện công khai như vậy. Tuy nhiên, mạng xã hội không phải tác nhân duy nhất cho “đại dịch” cô đơn. Người trẻ ngày càng xê dịch nhiều hơn, tạo khoảng cách trong những mối quan hệ cũ. Sự thăng tiến nghề nghiệp hay kết hôn cũng khiến chúng ta khó để duy trì các mối quan hệ tình bạn.

Trên thực tế, người trẻ chưa bao giờ bỏ cuộc trong hành trình đi tìm bạn bè. Gần một nửa số người trẻ gen Y trong nghiên cứu của YouGov nói rằng họ đã kết bạn với một người đồng nghiệp mới trong 6 tháng trở lại đây và 76% nói rằng họ thường cố gắng để có được ít nhất một người bạn tại công sở hay xung quanh mình. Trớ trêu thay, người trẻ quá bị ám ảnh bởi những tình bạn đẹp lung linh được phim ảnh hay truyền thông khắc họa; đó phải là những tình bạn đã đi qua bao năm tháng học trò, tình bạn trên 7 năm hay những tình bạn vượt qua khó khăn cùng nhau. Chính vì vậy, nhiều người vẫn phủ nhận những tình bạn mình có và khắc khoải mong có được một tình bạn “thật sự”. Không thỏa mãn với điều mình đang có, họ lại cô đơn hay tự tách mình ra khỏi mối quan hệ bạn bè dở dang.

ds-quote2-1566492069453493352279

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy phần lớn những người trả lời vẫn cố gắng giữ những mối quan hệ tuổi thơ. 6/10 người Mỹ tham gia phỏng vấn cho biết họ vẫn giữ liên lạc với ít nhất một người bạn học, và 34% vẫn chơi với những người bạn từ hồi đại học. Đây được coi là một xu hướng với nhiều người trẻ khi càng lớn, chúng ta càng nhận ra rằng những mối quan hệ tạo dựng khi trưởng thành bị chi phối bởi nhiều yếu tố hơn một tình bạn thuần túy. Bỏ lại những người bạn tuổi thơ sau lưng để rồi một lúc nào đó, sự tiếc nuối khiến người ta giật mình nhận ra: Cuộc sống này không cho chúng ta nhiều cơ hội để ngang qua đời nhau đến vậy.

Đây không phải nghiên cứu đơn lẻ hay câu chuyện mới về “đại dịch” cô đơn của thế hệ trẻ trên toàn thế giới. Trong một nghiên cứu khác mang tên BBC Loneliness Survey được tiến hành với 55,000 người tại Anh, 40% người trẻ trong độ tuổi từ 18-24 tuổi cảm thấy thường xuyên cô đơn trong khi tỷ lệ này với những người trong độ tuổi 65-74 và trên 75 chỉ là 29% và 27% – đáng nhẽ ra đó phải là độ tuổi cô đơn nhất khi họ không có công việc, ít bạn bè hay người thân không còn ở bên nhiều.

ds-quote3-1566491971018432833736

Điều đáng sợ nhất của “Đại dịch cô đơn” hay “thế hệ cô đơn nhất” không phải những hệ lụy nó có thể gây ra cho thế hệ trẻ – cái chúng ta lo sợ nhất là thái độ của người trẻ khi ai đó gọi tên vấn đề của họ. Những người trẻ biết mình là một phần của thế hệ cô đơn, có thể là họ hay những người xung quanh nhưng họ chấp nhận điều đó, coi nỗi cô đơn là điều bình thường của cuộc sống bất chấp những hệ lụy có thể đi kèm và nhiều người cũng không cần có thêm bạn bè.

Cô đơn, là một phần của cuộc sống đôi lúc, nhưng khi nó thành một thứ diễn ra liên tục và thường xuyên, không ai có thể vẽ lên những điều hoa mỹ quanh nó: “Rằng cuộc sống này cũng cần có sự cô đơn”.

Vì họ không phải những người cô đơn mà thôi.

ds-quote4-15664919431811423181021