“Công nghệ 4.0 với bóng đá Việt Nam” – Ứng viên VFF Trần Văn Liêng
Tại buổi hội thảo bóng đá 4.0 chiều 23/5, ứng viên Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Văn Liêng chia sẻ, cách làm của ông không mới chỉ là kế thừa và phát triển nhưng sẽ đưa công nghệ vào để kiếm tiền cho VFF một cách chuyên nghiệp hơn.
Ông Liêng cho rằng cách kiếm tiền của VFF từ trước tới giờ chủ yếu dựa vào mối quan hệ. Vì vậy nếu trúng cử phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ nhiệm kỳ 8 thì cách làm của ông sẽ là tạo lập hệ sinh thái bóng đá Việt Nam (VFEco).
Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Liêng nói rõ VFEco là một cộng đồng được hỗ trợ và phát triển trên nền tảng công nghệ truyền thông 4.0 (YouTube, Facebook, Internet of things…). Thông qua đó, người hâm mộ, giới truyền thông có thể tiếp cận dễ dàng các sản phẩm bóng đá. Nguồn thu chính của hệ sinh thái VFEco sẽ là phí tải từ app ứng dụng di động, hoạt động trên nền tảng smartphone. Có nghĩa là niềm đam mê và tình yêu bóng đá của người hâm mộ được thể hiện một cách đơn giản và dễ dàng bằng cách “bỏ túi” với một chi phí nhỏ.
Ngoài ra nguồn thu khác ông Liêng dự định sẽ mang về là nguồn tài trợ của doanh nghiệp (doanh nghiệp có quyền lựa chọn dịch vụ quảng cáo đúng mục tiêu cho mình từ mạng xã hội có kiểm soát); từ quỹ “Tình yêu bóng đá Việt Nam – Love for Vietnam Football (VF Love) theo dạng quỹ mở; từ việc duy trì và phát triển các nguồn tài trợ hiện tại (bán các thương quyền của đội tuyển quốc gia, các giải đấu, bán vé) và nguồn thu từ việc xử phạt các hành vi không đúng mực trong và ngoài sân cỏ.
“Thực ra VFEco chỉ mới đối với Việt Nam và nhiệm vụ của tôi là học hỏi, kế thừa và phát triển. Tôi không chê cách làm hiện tại nhưng muốn làm được hơn thế nữa cho VFF. Cương lĩnh hành động của tôi chỉ là bước thực hiện chủ trương xã hội hoặc bóng đá của Chính phủ mà cách xã hội hóa tốt nhất là dùng công nghệ 4.0”, ông Liêng nói.
Đến dự và phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, cách tiếp cận của ông Liêng là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới trong thời đại công nghệ. Theo ông, nếu làm theo cách này con số thu về VFF thậm chí có thể cao hơn rất nhiều so với dự kiến của ông Liêng.
Tiến sĩ – Viện sĩ Hàn lâm Chất lượng Quốc tế Ngô Văn Nhơn cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu hướng tất yếu của thế giới, mọi lĩnh vực cũng phải tiến hóa (evolution) để bắt kịp làn sóng mới này. Khái niệm chất lượng 4.0 (Quality 4.0) đã hình thành từ năm 2017, trong đó có Products 4.0 (sản phẩm) và Services 4.0 (dịch vụ).
Football (bóng đá) cũng là 1 dịch vụ, cũng rất cần làm chất lượng 4.0. Do vậy ý tưởng bóng đá 4.0 của doanh nhân Trần Văn Liêng đưa ra làm cương lĩnh hành động của mình trong việc ứng cử vào chức vụ Phó chủ tịch VFF, tôi hoàn toàn tán thành và ủng hộ.”
Bóng đá Việt Nam phải xem là một hoạt động dịch vụ thương mại, chịu sự tác động của các quy luật cung – cầu và kinh tế thị trường như bao hàng hóa, dịch vụ khác. Bóng đá cũng là một môn khoa học vận động, nên rất cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 trong bộ máy VFF để vận hành chuyên nghiệp và quản lý chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, bóng đá còn thu hút hàng triệu con tim của người hâm mộ cũng như nhận được sự tài trợ hàng núi tiền của các tập đoàn to, thương hiệu lớn, do vậy cũng rất cần xây dựng hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội SA8000 / ISO 26000 trong VFF để đạt được 3 nguyên tắc của WTO: “công bằng – minh bạch – cạnh tranh (lành mạnh)”. Không dưng mà chúng ta hay lấy câu nói này để phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội: “Vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Bóng đá đă ăn sâu vào sinh hoạt đời thường như thế đó!
Tại buổi hội thảo, ông Liêng cũng bày tỏ với báo chí mong muốn các ứng viên khác tranh cử vào VFF ở nhiệm kỳ này cũng nên có đề cương tranh cử công khai như ông.
*Nguồn: Thế Giới Tiếp Thị